Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
1048109

Nước mắt Sa Ná

Đăng lúc: 14:07:52 06/08/2019 (GMT+7)

Khó khăn lắm, chúng tôi mới tiếp cận được Sa Ná, một bản nghèo của xã Na Mèo, huyện vùng cao biên giới Quan Sơn, sau những ngày lũ dữ. Hoang tàn, đổ nát... là những gì còn lại...

105d1204201t90175l0.jpg
Trận lũ kinh hoàng đã biến bản làng bình yên trở nên hoang tàn, xơ xác.

Giây phút kinh hoàng

Sau trận lũ vì bão số 3, bản Sa Ná bị cô lập giữa núi rừng. Để tiếp cận nơi đây, sáng 4-8 các y, bác sĩ, lực lượng biên phòng, công an phải dùng mô tô nước vượt dòng nước hung dữ, vào chăm sóc người bị thương và tiếp tế lương thực. Con đường duy nhất để vào Sa Ná đã bị nước lũ chia cắt. Ngoài việc dùng mô tô nước vượt dòng lũ dữ để vào được nơi đây, chỉ còn cách mất hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ đi men theo đường rừng ven bờ sông Luồng với quãng đường 10km.

Con sông Luồng vốn hiền hòa là vậy, nhưng nay bỗng gầm thét hung dữ, dòng nước cuộn xiết, đục ngầu như muốn cuốn trôi tất cả. Con đường dẫn vào trung tâm bản chỉ toàn là đất đá, cây cối ngổn ngang, những ngôi nhà kiên cố giờ cũng trơ lại chiếc móng, đâu đó vài vật dụng còn sót lại... tất cả chỉ là một đống đổ nát.

Nước mắt Sa Ná

Trong những ngôi nhà xiêu vẹo, tiếng khóc nỉ non, những gương mặt thất thần nhìn xa xăm đợi chờ trong vô vọng. Lúc này, trời vẫn mưa nặng hạt, các lực lượng chức năng cùng bà con nơi đây vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân mất tích.
105d1205056t13233l0.jpg

105d1204329t97234l0.jpg
Nỗi đau nơi bản nghèo.

Gương mặt tiều tụy hướng về bãi đất trống, ngổn ngang bùn đất cạnh con suối Son, chị Vi Thị Hợp (31 tuổi) khóc ngất: “Mất hết cả rồi các cô, các chú ơi! Chỉ trong nháy mắt, ngôi nhà sàn của gia đình tôi cũng như hơn 20 căn nhà khác đã bị cuốn phăng tất cả. Không biết chúng tôi sẽ sống tiếp sao đây?”.

Vẫn chưa hết bàng hoàng, ông Lương Văn Định (52 tuổi), kể: “Ngày 2-8, trời mưa như trút nước suốt đêm không dứt. Tôi cảm thấy bất an nên không thể nào chợp mắt được. Sáng ra, tôi thấy dòng suối chảy khác thường ngày. Khoảng 7h sáng ngày 3-8, khi cả bản vừa thức dậy lo công việc thì cơn lũ về. Đợt lũ đầu, nước có chảy mạnh nhưng cũng chỉ sát mép nhà dân, một vài người ra quét dọn tránh nước vào. Nhưng chỉ được một lát sau, đợt lũ thứ 2 kéo về, nước chảy ầm ầm, tạo những con sóng cao cả mét. Nước xối xả, cuốn theo những cây gỗ lớn rồi san phẳng hàng loạt ngôi nhà. Lúc này, mọi người la hét, gọi nhau chạy lũ. Vậy mà chỉ khoảng 10 phút sau, 24 ngôi nhà cùng với nhiều người trong bản đã trôi theo dòng nước lũ.
105d1204435t11147l0.jpg
Trận lũ kinh hoàng đã biến bản Sa Ná bình yên thành một nơi hoang tàn, xơ xác.

Từ cõi chết trở về, trên cơ thể vẫn chằng chịt những vết thương, ông Lương Văn Chon nhớ lại trận lũ kinh hoàng ấy: Khoảng 5 giờ sáng ngày 3-8, tôi thức dậy, thấy lũ đổ về trên suối Son. Tôi cùng với bà con sống gần con suối này di chuyển đồ đạc lên chỗ cao hơn. Nhưng trận lũ rút khá nhanh nên ai cũng tưởng như mọi chuyện đã yên bình. Khoảng 7h30’ sáng cùng ngày, một khối nước khổng lồ kéo theo biết bao cây rừng lớn nhỏ từ thượng nguồn lao xuống. “Tôi đang chuyển các bao lúa lên chỗ cao hơn thì lũ ào tới, ngập ngang thắt lưng. Vợ tôi đứng gần đó nhảy lên bám vào thành cửa công trình phụ. Rồi lũ tiếp tục tấn công, ngập tới cổ tôi. Tôi cố đưa tay để cứu vợ mà không sao với tới. Nhưng may mắn bà ấy nhảy được lên nóc nhà tắm chứ nếu hai vợ chồng nắm được tay nhau chắc nhà tôi chết rồi” - ông Chon bồi hồi nhớ lại.

Dòng nước cày nát nhà cửa rồi đẩy ông Chon lẫn trong bùn nước, ông bị trôi nhanh ra phía dòng sông Luồng. “Tôi lại cố ngoi lên và bám được vào một cây gỗ lớn đang bị nước lũ đẩy rất nhanh. Sau đó, cây gỗ này càn ngang mấy bụi luồng bị ngập nước, tôi buông ra và bám được vào bụi cây này. Một cây gỗ khác lao tới càn qua, nhấn chìm cả bụi luồng xuống, một lần nữa tôi may mắn bám được vào bụi cây không lớn lắm nằm trên gò sỏi cao ở giữa dòng sông nhưng không bị lũ phóng thẳng vào”.

Sau nhiều giờ chống chọi với dòng lũ dữ, ông Lương Văn Chon đã được “người hùng” Phạm Bá Huy liều mình cứu thoát khỏi miệng lưỡi tử thần.

Bản làng tan hoang


Dưới chân dãy núi Luốc Mu, Sa Ná là nơi sinh sống của hơn 70 hộ người dân tộc Thái với 3 khu dân cư. Bao nhiêu năm qua, ngày họ lên nương, lên rẫy, tối quây quần đầm ấm bên bữa cơm gia đình. Dòng suối Son vẫn hiền hòa uốn lượn, đem nước mát về cho bản làng. Nhưng rồi nó bỗng nổi cơn thịnh nộ, càn quét khu 3 của bản, 34 ngôi nhà nơi đây đã bị trận “đại hồng thủy” san bằng (24 nhà dân bị lũ cuốn trôi, 10 nhà dân bị sập hoàn toàn). Khu vực nơi đây chỉ còn lại những vũng bùn lầy, những bãi đá trơ trọi, vài chiếc cột, kèo, quần áo... còn mắc lại giữa đống đổ nát. Những lo lắng, đau thương hằn rõ lên từng khuôn mặt của đồng bào nơi đây.
105d1205442t31321l0.jpg
Một ngôi nhà bị san phẳng sau cơn lũ.

Người đàn ông với gương mặt hốc hác, vô hồn, môi mím chặt như muốn nuốt nỗi đau quá lớn này. Rồi anh nói trong vô thức: “Mấy ngày trước, thấy việc nhà đã tạm ổn, tôi rời gia đình xuống thành phố làm thuê. Vừa tới nơi chưa được một ngày thì nhận được tin hung. Về tới bản, đập vào mắt tôi là cảnh tượng tan hoang, đổ nát khiến tôi như điên dại. Tôi lớn lên ở bản làng này, chưa bao giờ có một trận lũ lớn như vậy. Toàn bộ người thân trong gia đình gồm bố, mẹ, chị gái, vợ và 2 con trai tôi đã bị mất tích, đến giờ vẫn chưa có liên lạc gì. Tôi vẫn cầu mong có một phép màu đến với bà con, với những người thân yêu của mình”. Người đàn ông ấy là anh Hà Văn Vân (29 tuổi) - có 6 người thân trong gia đình bị mất tích. Không thể nói thêm về nỗi đau này nữa...

 
105d1205254t8870l10-img-1564994224946-15.jpg
Không thể nói thêm về nỗi đau của anh Hà Văn Vân (29 tuổi) - có 6 người thân trong gia đình bị mất tích.
Là người chứng khiến tận mắt cảnh những người dân bị trôi theo dòng nước lũ. Ông Hà Văn Tom (54 tuổi), chú ruột của anh Vân nhớ lại: “Ban đầu có một cơn lũ nhỏ quét qua khiến đất đá trôi vào nhà thằng Vân và một số hộ trong bản. Vì vậy, vợ chồng anh chị tôi cùng con gái (chị gái anh Vân) cùng nhau xuống để dọn dẹp giúp con dâu. Trong lúc mọi người đang dọn thì tự nhiên có tiếng “ầm, ầm...” rất lớn. Chưa định hình được tiếng gì, bất ngờ thấy một khối màu trắng tuôn từ trên núi xuống, nhà cửa bỗng nhiên xiêu vẹo... rồi bị cuốn trôi toàn bộ, cả 6 người trong gia đình...”. Tiếng gào khóc thảm thiết lại vang lên giữa đại ngàn...
105d1204710t19507l0.jpg

Ông Lò Văn Thiêm trông như cái xác không hồn bên những ngôi nhà vừa bị xóa sổ rồi bật khóc như một đứa trẻ, ông bảo: “Tận mắt chứng kiến cảnh người con trai bị cuốn mất nhà, người con gái là Lò Thị Quản, 35 tuổi cũng bị cuốn mất tích nhưng đến giờ tôi vẫn không thể tin vào chính mình. Tất cả như một cơn ác mộng vậy. Nó chảy mạnh khủng khiếp, chỉ trong phút chốc, đã cuốn đi mọi thứ, từ nhà cửa đến hơn chục người dân trong bản”.

Có lẽ, người đàn ông 64 tuổi này cũng như người dân nơi đây sẽ không bao giờ quên được cái đêm kinh hoàng ấy. Chỉ trong ít phút, họ đau đớn, bất lực nhìn hàng chục ngôi nhà bị san phẳng, nhiều người dân bị cuốn trôi, Sa Ná trở nên hoang tàn đến khủng khiếp, nỗi đau bao trùm cả bản nghèo.
105d1204612t33157l0.jpg
Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, Sa Ná hiện vẫn còn 9 người mất tích trong lũ dữ, người dân nơi đây vẫn hướng về lực lượng chức năng đang tìm kiếm các nạn nhân, với le lói hy vọng người thân chạy lũ, lánh nạn đâu đó sẽ trở về với gia đình, bản làng. Chính quyền địa phương đang bố trí cho người dân mất nhà cửa đến ở nhà người thân trong bản, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho đến khi tạm ổn định cuộc sống. Nhưng do nằm sâu trong thung lũng, lại bị dòng sông Luồng chia cắt, nên công tác cứu nạn, cứu hộ, tiếp viện lương thực gặp rất nhiều khó khăn.

Trước những mất mát, đau thương của bà con Sa Ná, ngày 5-8, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm hỏi, chia sẻ và động viên bà con dân bản. Đặc biệt là các hộ có người thân bị tử vong và mất tích; động viên bà con vượt qua nỗi đau; động viên các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại đây tích cực tìm kiếm người còn mất tích, hỗ trợ, giúp đỡ bà con dân bản bị thiệt hại do bão dữ.

Chia tay Sa Ná, chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có một phép màu xảy ra đối với bà con nơi đây. Mong sao những người thân của họ trở về bình an, người dân sớm được di dời khỏi nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống, gần sông, suối đến nơi ở an toàn... để cuộc sống của người dân lại rộn ràng tươi mới.

Nhưng lúc này đây, Sa Ná cần những tấm lòng hảo tâm hơn bao giờ hết. 
Nguồn: baothanhhoa.vn
Chia sẻ