Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
1048109

ĐÔI NÉT VỀ CỤM DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG HÀM HẠ, HUYỆN ĐÔNG SƠN

Đăng lúc: 15:41:47 17/03/2023 (GMT+7)

Cụm Di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn (nay thuộc khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông) gồm các điểm di tích: Đình làng Hàm Hạ, Nhà ông Lê Oanh Kiều, Nhà ông Phạm Văn Huống là những địa điểm minh chứng hùng hồn, địa chỉ đỏ ghi đậm dấu ấn, sự ra đời của chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của huyện Đông Sơn, đồng thời cũng là chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

          1. Di tích Đình làng Hàm Hạ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân làng Hàm Hạ. Trong những năm 1925 - 1929, Đình làng Hàm Hạ đã trở thành nơi những thanh niên yêu nước: Lê Công Thanh, Lê Oanh Kiều, Lê Bá Tùng…tụ họp để tuyên truyền phát triển Hội đọc sách báo cách mạng; nơi tuyển lựa những quần chúng ưu tú cho tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên; địa điểm liên lạc của các chiến sĩ cộng sản, góp phần chuẩn bị cho sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Hướng về nguồn cội, tri ân những đồng chí đảng viên ưu tú, nhân dân Hàm Hạ đã lập bàn thờ, thờ 07 đảng viên đầu tiên của chi bộ Hàm Hạ tại đây. Đình Hàm Hạ được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1994.

Đình Hàm Hạ được xây dựng từ năm nào không ai rõ, chỉ biết rằng Đình Hàm Hạ đã qua 3 lần tu sửa lần thứ nhất vào năm Bảo Đại thứ 14 (1939), lần thứ hai vào năm 1999, lần thứ 3 vào năm 2018. Đình làng Hàm Hạ gồm 5 gian, được xây dựng theo hướng Đông Nam, mang phong cách kiến trúc Nguyễn muộn thế kỷ XIX. Từ bao đời nay Đình là không gian tâm linh, trung tâm sinh hoạt văn hóa, nơi hội họp của nhân dân trong làng. Theo phong tục của làng cứ vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhân dân trong làng tổ chức lễ tế Thành Hoàng làng tại Đình Hàm Hạ.

2. Di tích Nhà Ông Lê Oanh Kiều là nơi đã diễn ra Hội nghị thành lập Chi bộ Hàm Hạ, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 1930. Nhà ông Lê Oanh Kiều được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1994.

Ngày 25 tháng 6 năm 1930, tại căn buồng phía Đông Nam của nhà ông Lê Oanh Kiều, làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay là khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, đã diễn ra hội nghị thành lập Chi bộ Hàm Hạ. Tham gia Hội nghị có 03 đảng viên (Lê Bá Tùng, Lê Thế Long, Lê Oanh Kiều) và 04 quần chúng ưu tú (Phạm Văn Huống, Lê Bá Hàm, Nguyễn Xuân Nghinh, Doãn Hữu Vịnh). Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ truyền đạt chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ về việc xây dựng Đảng bộ Thanh Hóa và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Hàm Hạ, hội nghị bầu đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Hàm Hạ ra đời là một tất yếu lịch sử, đáp ứng yêu cầu của phong trào cách mạng trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Sự ra đời của chi bộ Hàm Hạ là nền tảng thúc đẩy việc xây dựng và phát triển chi bộ đảng ở huyện Thiệu Hóa và thành lập chi bộ đảng Yên Trường (Thọ Xuân), tiến tới thành lập Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa vào ngày 29 tháng 7 năm 1930.

3. Di tích Nhà ông Phạm Văn Huống là nơi đặt cơ sở in báo “Tiến lên” - cơ quan ngôn luận đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 1930. Nhà ông Phạm Văn Huống được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1994.

Để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cách mạng, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị thành lập tỉnh Đảng bộ, tháng 8 năm 1930 cơ quan báo “Tiến lên” đã được thành lập tại Yên Trường (Thọ Xuân). Báo “Tiến lên” số đầu tiên ra đời cuối tháng 8/1930 tại nhà ông Lê Văn Sĩ, làng Yên Trường (xã Thọ Lập, Thọ Xuân), với kỹ thuật in thô sơ bằng thạch cao. Báo “Tiến lên” phát hành đến các cơ sở cách mạng cổ vũ quần chúng nhân dân dũng cảm đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống chế độ thực dân phong kiến. Ngay sau khi tờ báo phát hành, chính quyền thực dân phong kiến tiến hành lục soát, khủng bố gắt gao cơ sở in báo. Tháng 10 năm 1930, cơ quan in báo dời về nhà đồng chí Phạm Văn Huống (là một trong những đảng viên đầu tiên chi bộ Hàm Hạ) tại làng Hàm Hạ, báo “Tiến lên” số 2 và số 3 được in ấn tại đây. Cơ sở Đảng Hàm Hạ có nhiệm vụ tổ chức việc in ấn. Tờ báo “Tiến lên”, cơ quan tuyên truyền, giáo dục đảng viên và quần chúng, là tờ báo đầu tiên của Đảng bộ Thanh Hóa. Tại đây, ngoài việc tổ chức in báo “Tiến lên” còn xuất bản nhiều tại liệu cách mạng, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền vận động cách mạng, gây dựng và phát triển cơ sở đảng trong toàn tỉnh.

Cuối năm 1930, Đảng bộ và phong trào cách mạng trong tỉnh bị khủng bố, báo “Tiến lên” ngừng hoạt động. Tuy chỉ phát hành được 03 số nhưng báo Tiến lên đã góp phần truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc, đường lối, chủ trương của Đảng đến với quần chúng nhân dân; là ánh sáng chỉ đường đưa phong trào đấu tranh cách mạng ở Thanh Hóa từng bước tiến lên.

Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ được tu bổ, tôn tạo khang trang là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Đông Sơn nói riêng đối với các thế hệ ông cha đi trước; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng; giáo dục chính trị, tư tưởng, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm đưa Thanh Hóa trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Một số hình ảnh Khu Di tích Hàm Hạ:
z4188922160069_bb5fca1ca5c8e8043eccf88a54807425.jpg
z4182774089370_9edc3098a11dd536cb90d7091794c546.jpg

z4188922272027_20ea6d73a3609fdcdc9f8aab3c138c35.jpg
z4188922252000_c921f78303134a8c54ba63df50fcf246.jpg
z4188922210258_be12f8bf4ccef430ab68d675bd0ca0bf.jpg

HĐ Đông Sơn