Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
1048109

DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ THẮNG CẢNH RỪNG THÔNG - NƠI BÁC HÒ LẦN ĐẦU TIÊN VỀ THĂM THANH HOÁ

Đăng lúc: 15:30:24 17/03/2023 (GMT+7)

Khu di tích Địa điểm Lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông nằm ở ngay vị trí trung tâm của Thị trấn Rừng Thông (Khu phố Phượng Lĩnh, TT. Rừng Thông, huyện Đông Sơn), là nơi ghi dấu sự kiện lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hoá vào ngày 20/02/1947. Di tích được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1989.

 Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông nằm ở phía Nam dãy núi Phượng Lĩnh với độ cao 169m. Theo truyền thuyết, đỉnh núi cao 169 mét chính là đầu của con chim Phượng Hoàng, hai trái núi nhỏ mang tên Tả Phượng Dục và Hữu Phượng Dục đó chính là đôi cánh của chim Phượng Hoàng. Nhìn xa, thế núi, hình chim tựa như con chim Phượng Hoàng khổng lồ chở che cho vùng linh địa này và từ từ tung cánh, bay vút lên trời cao tràn đầy ánh sáng cầu vồng rực rỡ.
z4188840768268_bc0e67a976eeea13cb0c4dc15966d6cd.jpg
Đoàn Thanh niên huyện Đông Sơn dâng hương, báo công tại Khu Di tích lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông nhân dịp Đại hội Đoàn toàn huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027
       Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên trong bối cảnh lịch sử sau cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Thực dân Pháp Bội ước hiệp định sơ bộ 6/3/1946 ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11/1946 cho quân đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội. Trong bối cảnh đó Ngày 19/12/1946 chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
       Chỉ hai tháng sau khi ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 20/2/1947 chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa. Sở dĩ Bác về thăm Thanh Hóa là có lý do, Bác đã nhận thấy Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng người đông, người dân giàu lòng yêu nước có thể xây dựng nơi đây trở thành căn cứ địa cách mạng thứ hai, để đề phòng chiến khu Việt Bắc không giữ được có thể sử dụng Thanh Hóa thay cho chiến khu Việt Bắc.
       Rừng Thông được Bác Hồ chọn làm nơi gặp gỡ và làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa. Tại nơi đây Bác dạy cán bộ Thanh Hóa về đạo đức của người cán bộ cách mạng, về đường lối cách mạng của Đảng và chủ trương kháng chiến của Đảng. Bác đã căn dặn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.
       Để tưởng niệm nơi đón Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp xây dựng Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày mùng 3 tháng 2 năm 1990 và hoàn thành vào ngày 19 tháng 5 năm 1990.
z4182774057078_a2de74ce76c1cb0c037a180f4f786e52.jpg
z4188840877877_8811a71b514a67b4d2336f73e56ce10f.jpg
Đài Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích
       Năm 2012, kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hoá (20/02/1947 - 20/02/2012), huyện Đông Sơn đã tôn tạo Khu Di tích và xây dựng thêm các công trình trong khuôn viên Di tích, bao gồm: Nhà bia khắc tên các Liệt sỹ huyện Đông Sơn, đường bậc thang xi măng lên Đài tưởng niệm Bác Hồ. Sau đó, nhà truyền thống cũng được bổ sung, tôn tạo. Nhà truyền thống là nơi chứa đựng nhiều hiện vật liên quan đến Bác, trong đó nổi bật nhất là chiếc trống đồng do Đảng bộ và Nhân dân huyện Đông Sơn đúc với đường kính mặt trống 79cm, mang ý nghĩa 79 mùa xuân tuổi Bác; trống cao 69cm, thân trống khắc 05 hình ảnh về Bác gồm: Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập và 04 hình ảnh còn lại là những lần Bác Hồ về thăm Thanh Hoá.
z4188840890943_e640b570850883926c11687aab831c71.jpg
ĐVTN huyện Đông Sơn dâng hương tại Nhà bia Liệt sỹ các Anh hùng Liệt sỹ huyện nhà
z4188840787085_f76444b8967adef38dc8d08c501355bf.jpg
z4182774066010_bf495bae095012e54a97106659ed41f4.jpg
Nhà truyền thống - nơi chứa đựng nhiều hiện vật liên quan đến Bác
       Năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hoá công nhận Di tích cấp Quốc gia địa điểm Lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông là điểm du lịch.
       Để phát huy giá trị di tích lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích ngày càng khang trang. Nơi đây đã trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho học sinh, sinh viên, nhân dân và là nơi để du khách thập phương đến dâng hương, báo công, tìm hiểu và thưởng ngoạn vẻ đẹp của di tích./.
HĐ Đông Sơn